Liệu có bớt tai nạn ? Khi tăng mức xử phạt lái xe lên 10 lần
Thực tế cho thấy, cứ mỗi lần cơ quan chức năng đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là một lần hứng chịu sự phản ứng gay gắt của dư luận. Tuy nhiên, câu hỏi dược đặt ra, liệu việc “đánh vào” túi tiền của người tham gia giao thông có giải quyết được tận gốc tình trạng tai nạn giao thông?
Mới đây, bộ GTVT vừa công bố dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông do chính Bộ này soạn thảo để trình lên Chính phủ. Lý giải về bản dự thảo này, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng vụ An toàn Giao thông, bộ GTVT khẳng định, sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 171 và Nghị định 107 đã xuất hiện nhiều quy định còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Theo bản dự thảo, bộ GTVT đề xuất tăng hàng loạt mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông như từ 2-3 triệu đồng lên 3-5 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn dưới 50mg trong máu hoặc dưới 0,25mg/lít khí thở (mức 1); tăng từ 7-8 triệu đồng lên 8-12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg – 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg -0,4mg/lít khí thở (mức 2). Đặc biệt, người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3) sẽ bị phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước. Các hành vi ở mức 2 và 3 còn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 3 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay. Đặc biệt, dự thảo cũng tăng mức xử hành vi đi xe máy vào đường cao tốc lên gấp 10 lần. Người lái xe mô tô, lái xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 24 triệu đồng thay vì mức 200.000- 400.000 đồng như hiện nay…
Xin phải nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên bộ GTVT đề nghị tăng mức xử phạt vi phạm giao thông. Thậm chí, trong năm 2014, dư luận cả nước ngỡ ngàn khi Ủy ban ATGT Quốc gia còn “đòi” tịch thu xe của người vi phạm. Ngay lập tức, đề xuất này đã hứng chịu sự phản ứng của các chuyên gia giao thông đầu ngành và dư luận. Bởi ở Việt Nam, xe máy không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là tài sản của người dân. Khi đó, trả lời PV báo ĐS&PL về vấn đề này, ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cho rằng, đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe có nồng độ cồn cao chưa nêu rõ được sự hợp lý. Bởi, về nguyên tắc, xử lý người vi phạm có thể phạt tiền, thậm chí tạm giữ hành chính hay có những biện pháp mạnh khác chứ không thể tịch thu tài sản của người dân được.
Ớ góc độ một người tham gia giao thông, anh Nguyễn Cảnh Bình (37 tuổi, nhân viên một công ty sách trên đường Thái Hà) sau khi đọc thông tin về bản đề xuất của bộ GTVT bức xúc: “Tôi lấy ví dụ như ngày lễ, Tết, người Việt có truyền thống uống rượu để chúc nhau sức khỏe, may mắn mà nhiều khi không thể từ chối được, ớ mức 1, người nào vi phạm nồng độ cồn dưới 50mg, tương đương với 2 – 3 chén rượu đã bị phạt 5 triệu đồng. Lương tối thiểu hiện nay của một người công nhân bình thường chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng. Vậy, chỉ một lần phạt, người lao động đã mất đi gần 2 tháng lương, từ đó, không loại trừ một số người vi phạm “thương lượng” với cảnh sát giao thông để không bị xử lý”.
Liệu có thuyết phục?
Để làm rõ vấn đề này, PV đã liên hệ với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách ủy ban ATGT Quốc gia, ông Hùng cho biết, việc tăng mức xử phạt được tính toán trên yêu cầu thực tế của Việt Nam và theo mức độ nguy hiểm của từng hành vi vi phạm. Thực tế cho thấy có rất nhiều hành vi của chủ phương tiện uy hiếp đến an toàn giao thông như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, uống rượu bia, chở quá tải… cần phải có chế tài xử phạt thật nặng.
Tuy nhiên, ở góc nhìn ngược lại, không ít chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn về mức phạt quá cao này. Có người nêu ý kiến, chúng ta nên đưa ra các biện pháp giúp giảm tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông một cách bền vững chứ không nên chỉ chăm chăm đánh vào túi tiền của người tham gia giao thông.
Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Thị Khá – ủy viên Thường trực Uy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Tôi nhận thấy việc tăng mức xử phạt như đề xuất của bộ GTVT là chưa hợp lý, chưa phải là liều thuốc có thể chữa tận gốc trình trạng vi phạm và tai nạn giao thông. Bởi các chuyên gia đều chỉ ra rằng, để giảm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực giao thông ngoài các biện pháp phạt tiền thì phải kết hợp với công tác tuyên truyền”.
Cũng theo vị ĐBQH này, ngoài việc tăng mức xử phạt, chúng ta cần phải có biện pháp như thu GPLX vĩnh viễn đối với những trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nhiều lần. Nếu vi phạm lần thứ nhất thì giữ giấy phép lái xe và người vi phạm phải học lại 1 ngày lớp đào tạo lái xe; nếu vi phạm lần hai thì giữ GPLX 3 ngày và phải học lại 3 ngày lớp đào tạo lái xe ; còn nếu vi phạm giao thông ba lần trở lên thì thu GPLX vĩnh viễn. Như vậy tình trạng vi phạm giao thông mới giảm.
Đánh mạnh vào xe quá khổ, quá tải
Được biết, dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng mức phạt tiền gấp đôi đối với hành vi chở quá tải trên 150%. Theo đó, lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14-16 triệu đồng, chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 28- 32 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 56-64 triệu đồng, so với mức cũ là 32-36 triệu đồng. Nhằm ngăn chặn tình trạng không chấp hành, chống đôi khi bị kiểm tra tải trọng, mức phạt cũng tăng lên tới 14-16 triệu đồng. Nhiều chuyên gia sau khi nghiên cứu mức đề xuất này khẳng định, đây được xem như động thái đánh mạnh vào xe quá khổ, quá tải gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua của bộ GTVT.
Trả lời