Đào tạo lái xe sẽ được siết chặt quy định mới năm 2020
Đào tạo lái xe sẽ được siết chặt quy định mới năm 2020. Kể từ 1/1/2020, việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX có nhiều thay đổi, khắc phục nhiều bất cập, nâng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Thông tư 38 (có hiệu lực từ 1/12/2019) bổ sung thêm hai môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin, giúp học viên tiếp cận những tình huống sát với thực tế (Trong ảnh: Sát hạch lái xe ô tô tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia, TP HCM).
Có bằng vẫn chưa dám ngồi sau vô lăng ra đường
Anh Nguyễn Văn Lưu, giáo viên dạy lái xe có thâm niên tại Hà Nội chia sẻ, nhiều học viên của anh khi cầm bằng lái trên tay vẫn chưa tự tin lái xe ra đường. Không ít người sau đó phải thuê thêm thày dạy phụ đạo trong nhiều ngày. “Với mức học phí như hiện tại, cả người học và người dạy đều chú trọng học trong sa hình để thi đỗ. Điều này giúp tỷ lệ đỗ cao hơn, nhưng kỹ năng lái xe và kinh nghiệm tích lũy được trên đường trường rất hạn chế, nhất là các tình huống, cung đường ở điều kiện khác nhau”, anh Lưu nói.
Tài xế Trần Kiêm Hạ (TP HCM, tác giả cuốn sách “Cuộc đời sau tay lái) chia sẻ, nếu đào tạo đúng đủ chương trình hiện nay cũng đã đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, để cạnh tranh và có lợi nhuận, nhiều trung tâm đào tạo cắt xén, không dạy đủ chương trình. Nguyên nhân là do việc kiểm soát đào tạo của Nhà nước còn lỏng lẻo, chưa giám sát được học viên có học đủ thời gian thực hành trên đường hay không, chỉ quan tâm đến việc cấp bằng cho xong.
“Nhiều người học xong có bằng nhưng không dám cầm vô lăng là vì thế. Khi anh học trong trường được 10, ra đường thực hiện 9 là đủ nhưng đối với anh em lái xe chỉ được học 6 – 7 nhưng nhu cầu ra đường cần tới 10. Vì vậy, anh em lái xe phải tìm kiếm kinh nghiệm bằng việc va chạm ngoài đời. Ai may mắn thì vượt qua, còn người không may sẽ gây tai nạn cho bản thân và xã hội”, lái xe này tâm sự.
Tìm hiểu của PV, để học lái xe ô tô tại một trung tâm đào tạo, mức học phí phải nộp khoảng 6 triệu đồng. Một nhóm học viên khoảng 4 – 5 người được một giáo cơ hữu của trung tâm dạy 10 buổi thực hành, trong đó có 2 – 3 buổi đi dã ngoại ngoài đường. 4-5 người thay nhau lái, nếu chia đều, mỗi người sẽ không đủ thời gian “ôm” vô lăng 84 giờ như quy định.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho rằng, tình trạng chung của nhiều học viên là sau khi thi đỗ vẫn không dám lái xe ra đường chính là do không được đào tạo những kỹ năng, sợ ra đường gặp tình huống không xử lý được. Một bất cập nữa là các trung tâm đào tạo gần như không quản lý chương trình đào tạo mà khoán trắng cho giáo viên. Giáo viên nhận 4 – 5 học viên một xe và không kiểm soát chương trình, thời lượng đào tạo của họ. Điều này là do chúng ta chưa kiểm soát được các trung tâm đào tạo có đủ thời lượng hay không.
Ngăn tiêu cực, sát hạch lái xe thực chất hơn
Trước những bất cập thời gian qua trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, mới đây Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp GPLX, trong đó bổ sung nhiều quy định mới như: Thêm hai môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Những cabin tập lái được tích hợp nhiều bài thi, nhiều điều kiện thời tiết, cũng như những cung đường, giúp học viên tiếp cận những tình huống thực tế. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường; Giám sát trực tuyến quá trình đào tạo của trung tâm, quá trình học lý thuyết cũng như thực hành của học viên.
Từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái ôtô trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ nhận dạng để theo dõi thời gian học môn Pháp luật giao thông đường bộ của học viên trên lớp. Với thực hành lái xe, ô tô tập lái sẽ phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường, sau 6 tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành.
Thiết bị mô phỏng bao gồm: Hệ thống máy tính, phần mềm mô phỏng và cabin học lái ôtô sẽ được sử dụng cả trong đào tạo và sát hạch. Trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết – mô phỏng – trong hình – trên đường. Như vậy, nếu không đạt sát hạch với thiết bị mô phỏng sẽ không được sát hạch trên ô tô. Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ 1/1/2021 và sát hạch từ 1/5/2021. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2020, sẽ thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch: Xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc.
Ngoài ra, từ ngày 1/6/2020, GPLX cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN đánh giá, việc bổ sung quy định dùng công nghệ sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý được thời gian học lý thuyết cũng như thực hành của các trung tâm, hạn chế tối đa tình trạng cắt xén chương trình, bảo đảm thời gian học thực hành thực tế 84 giờ hoặc hơn 1.000 km theo đúng quy định. Trong sát hạch, thay vì trước đây chỉ có giám sát tại cơ sở đào tạo, việc Tổng cục Đường bộ, các cơ quan liên quan cùng giám sát trực tuyến sẽ ngăn chặn ngay những tiêu cực, giúp cho việc sát hạch thực chất hơn.
Đánh giá các giải pháp cụ thể, ông Quyền cho rằng, việc bổ sung các kỹ năng ứng phó với các tình huống giao thông thực tế, cũng như các giải pháp xử lý cụ thể khi đối mặt với sự cố trên đường qua thiết bị mô phỏng giúp lái xe nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế, góp phần giảm TNGT. Các giải pháp này bước đầu giúp đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cũng như bồi dưỡng đạo đức cho các học viên, tạo ra một tiền đề quan trọng hướng đến mục tiêu sâu xa hơn là nâng cao được ý thức và kỹ năng của người lái.
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, để công tác đào tạo và sát hạch lái xe được thực chất thì các quy định nêu trên là chưa đủ. Ông Quyền cho rằng, cần tập trung cao độ vào việc bồi dưỡng đầy đủ đạo đức, kỹ năng và kiến thức cho người học. Làm sao để cho người học nhận thức được rằng lái xe không chỉ là một hành động tham gia giao thông mà còn là một nét văn hóa, đạo đức của người cầm lái. “Không chỉ vậy, cũng cần quản lý chặt chẽ chất lượng và đạo đức của người dạy, nếu cần thiết thì cũng nên tổ chức các kỳ tái sát hạch cấp chứng chỉ cho các giáo viên dạy lái xe”, ông Quyền nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, tuy đã có nhiều biện pháp chống tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, tại một số nơi việc quản lý học viên chưa chặt chẽ, một số cơ sở cắt xén nội dung, chương trình đào tạo. Đặc biệt là tình trạng tiêu cực trong công tác này như nộp hồ sơ mà không học hoặc học qua loa, đối phó, khi thi thì được “bao đậu”, thậm chí việc mua giấy phép lái xe giả vẫn còn.
“Những giải pháp Bộ GTVT vừa ban hành như yêu cầu các cơ sở đào tạo đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, giám sát thời gian quãng đường học của học viên, cũng như giám sát trực tuyến quá trình sát hạch sẽ giúp chống các tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp GPLX triệt để hơn, công khai, minh bạch hơn”, ông Hùng đánh giá và đề xuất: “Cần tổng kiểm tra, rà soát cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm. Đặc biệt, phải kiên quyết thu hồi giấy phép đào tạo, sát hạch đối với những cơ sở vi phạm, kém chất lượng”.
Giám sát bằng vân tay, nhận dạng khuôn mặt học viên
Giáo viên trường Trung cấp nghề GTVT Hưng Yên hướng dẫn học viên kỹ thuật điều khiển xe trên sa hình. Ảnh: Tạ Tôn
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, quá trình học trên cabin sẽ mô phỏng lại các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên phần mềm, học viên sẽ được xử lý tình huống để có kỹ năng tránh tai nạn đáng tiếc. Việc bổ sung quy định này cũng nhằm rút ngắn thời gian tích lũy kinh nghiệm của lái xe.
Cũng theo ông Thống, dù chương trình học khá đầy đủ, tuy nhiên thời gian qua, việc giám sát quá trình đào tạo, sát hạch chưa chặt chẽ. Quá trình đào tạo lý thuyết và thực hành chủ yếu do cơ sở đào tạo và người học tự chịu trách nhiệm. Các sở GTVT cũng chỉ tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, nhưng cũng không được liên tục. “Việc học lý thuyết sẽ giám sát bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để giám sát toàn bộ quá trình học của học viên. Dữ liệu giám sát sẽ được lưu trữ tại các cơ sở đào tạo và truyền độc lập về Tổng cục Đường bộ VN. Khi người học học đủ thời gian theo quy định mới được dự sát hạch”, ông Thống nói.
Ngoài ra, thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của từng học viên sẽ được giám sát chặt chẽ. Trên xe tập lái sẽ được lắp thiết bị giám sát, mỗi học viên sẽ có mã định danh, khi học viên lên xe, nhập mã này trên hệ thống, thiết bị bắt đầu kiểm soát thời gian cũng như quãng đường học viên. Dữ liệu này cũng sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ VN để giám sát. Khi đủ thời gian theo quy định, Tổng cục mới phê duyệt cho dự sát hạch. Trước đây, người học chỉ trải qua 3 nội dung sát hạch là: Sát hạch lý thuyết, trên sa hình và trên đường. Tới đây, học viên sẽ phải sát hạch trên phần mềm mô phỏng tình huống.
Bạn đọc quan tâm:
Trả lời