Học luật giao thông: Lực lượng nào được phép dừng xe người vi phạm
Ngoài CSGT còn một số lực lượng khác cũng có thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, quyền hạn đó cũng cần có những điều kiện đi kèm.
Theo quy định hiện hành, các lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm cũng không được tùy tiện dừng phương tiện mà chỉ được dừng để kiểm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm. Ngoài CSGT còn một số lực lượng khác cũng có thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, quyền hạn đó cũng cần có những điều kiện đi kèm.
Điều 87 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ: Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ … Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Đối Cảnh sát giao thông đường bộ có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012). Bên cạnh đó, theo Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 và Thông tư số 45/2012/TT-BCA ngày 27/7/2012 của Bộ Công an, khi thực hiện tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Song người có thẩm quyền kiểm soát phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ và xuất trình khi có yêu cầu đồng thời phải đeo biển hiệu (thẻ xanh) khi làm nhiệm vụ.
Đối với các lực lượng cảnh sát khác và công an xã: Theo quy định tại Nghị định 27/2010/NĐ-CP định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với CSGT đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết, các lực lượng Cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự; Cảnh sát phản ứng nhanh; Cảnh sát cơ động; Cảnh sát bảo vệ; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) và công an xã, phường, thị trấn được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã khi được huy động phối hợp với CSGT bao gồm: Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của Cảnh sát giao thông đường bộ và theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng …”.
Tuy nhiên lực lượng cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự; Cảnh sát phản ứng nhanh; Cảnh sát cơ động; Cảnh sát bảo vệ; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) và công an xã, phường, thị trấn chỉ khi được huy động phối hợp với CSGT đường bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt mới được quyền dừng phương tiện tham gia giao thông và xử lý vi phạm khi không có CSGT.
Thanh tra giao thông: Theo thông tư 08/2010/TT-BGTVT ngày 19/3/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của thanh tra đường bộ thì thanh tra giao thông đường bộ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, vi phạm Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, đình chỉ hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi phát hiện có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; có dấu hiệu vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ.
Lưu ý:
Ngoài ra, các lực lượng khác không có quyền dừng xe và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà chỉ có quyền dừng xe khi có hành vi vi phạm thuộc thuộc các lĩnh vực mà họ quản lý.
Các lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện và xử phạt hành vi vi phạm cũng không được tùy tiện dừng phương tiện mà chỉ được dừng phương tiện để kiếm soát khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA.
Sưu tầm: trường dạy lái xe
Nguồn: Phapluattp.vn
Trả lời